Ứng phó với biến đổi khí hậu

Trách nhiệm cộng đồng

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đặt ra áp lực lớn cho con người trong việc bảo tồn nguồn nước, đất và tài nguyên thiên nhiên.

 

Nguy cơ giảm 50% diện tích trồng lúa

Những ngày gần đây có lẽ “xâm nhập mặn” là từ khóa phủ sóng trên báo chí và các phương tiện truyền thông khi các tỉnh ĐBSCL đang oằn mình chống đỡ tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Tính đến ngày 11/3 đã có 8/16 tỉnh ĐBSCL phải công bố tình trạng thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo báo cáo của Viện tài nguyên thế giới (WRI), Việt Nam là đứng thứ 7 trên toàn cầu với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu (BĐKH) với hơn 80% dân số bị ảnh hưởng. Khi nhiệt độ trái đất nóng lên và mực nước biển dâng lên 1m sẽ nhấn chìm đến 40% diện tích ĐBSCL và 3% diện tích đồng bằng sông Hồng – hai khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. 1m này cũng sẽ khiến diện tích đất trồng lúa giảm hơn 50% từ 4 triệu xuống còn 2 triệu. Nước biển dâng kéo theo tình trạng xâm nhập mặn càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL với hơn 45% diện tích đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn cao.

Theo nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năng suất lúa xuân và lúa mùa tại đồng bằng sông Hồng có thể giảm 3,7% và 1% vào năm 2020 và giảm đến 16,5% vào năm 2070. Nghiên cứu này kết luận, Việt Nam sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 vì mất đi gần 22% sản lượng nếu không có những biện pháp phù hợp. Không những thế, sản lượng nông nghiệp sụt giảm ảnh hưởng đến nguyên liệu cho những ngành công nghiệp liên quan trực tiếp như chế biến lương thực, thực phẩm, dệt may, thủy sản, v.v. và 53% lực lượng lao động tại Việt Nam, tương đương 28.000 người (số liệu theo Tổng cục thống kê năm 2014) có nguy cơ mất việc làm hàng loạt.

Doanh nghiệp vào cuộc

Chính phủ Việt Nam, hơn ai hết, đã nhận thức rõ mối nguy này và chúng ta đã được chứng kiến những hành động quyết liệt tại Hội nghị COP21 vừa qua tại Pháp. Tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ, vì “nếu như chính phủ các quốc gia đóng vai trò kiến tạo, định hướng và xác lập hành lang pháp lý thì khối doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia mới chính là nhóm đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thực hiện và vận hành các cam kết của COP21,” ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững,VCCI, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định.

Trong bối cảnh đó, có những doanh nghiệp đã hành động khi khó khăn thách thức đang trở nên quá rõ ràng. Những cái tên có thể kể đến như công ty Xi-măng Holcim với đề xuất sử dụng năng lượng hiệu quả, công sy Sơn Hà với những kỹ thuật nung gốm hiện đại, tuy nhiên, nếu tính đến mức độ cam kết và thực thi cam kết thì phải kể đến công ty nông dược Syngenta. Công ty đã nhận thức rằng việc cung cấp những kiến thức và công nghệ mới để người nông dân có thể sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, tạo ra đủ lương thực cho dân số ngày càng tăng là việc làm hết sức cần thiết góp phần vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vào hoạt động canh tác nông nghiệp.

Cách đây 2 năm vào năm 2013, Syngenta giới thiệu Chương trình Phát triển Bền vững với 6 cam kết từ 2013 đến 2020 trên phạm vi toàn cầu, trong đó Tập đoàn này cam kết tăng 20% sản lượng của các loại cây trồng chính trên thế giới mà không cần tăng lượng đất, nước và các yếu tố đầu vào khác; cải thiện độ màu mỡ của 10 triệu héc-ta đất nông nghiệp trên toàn cầu đang có nguy cơ bị suy thoái; tăng đa dạng sinh thái trên 5 triệu héc-ta đất nông nghiệp; giúp 20 triệu nông hộ nhỏ tăng 50% năng suất; huấn luyện an toàn lao động cho 20 triệu nông dân, đặc biệt tại các nước đang phát triển và mang lại môi trường làm việc công bằng trong toàn chuỗi sản xuất. Theo báo cáo năm đầu tiên, chương trình này đã giúp các nhà nông tham gia chương trình tăng 2% năng suất, 2,4 héc-ta đất nông nghiệp được cải tạo để tăng độ màu mỡ và 5,7 triệu nông dân được tập huấn về cách thức sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả.

Tại Buổi công bố kết quả thực hiện Chương trình Phát triển Bền vững năm đầu tiên tại Việt Nam diễn ra vào tháng 8/2015 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Vụ Khoa học & Công nghệ, Cục Trồng trọt, Cục Bảo tồn sinh học (thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường), Trung tâm Chuyển giao KH&CN Quốc gia, Tổ chức phi lợi nhuận World Vision, v.v. Syngenta Việt Nam công bố đã thiết lập hệ thống nhà nông tham chiếu gồm những nông hộ nhỏ - sở hữu dưới 2 héc-ta đất nông nghiệp - canh tác cà phê và ngô. Đội ngũ kỹ sư của công ty đã thường xuyên sát cánh để chuyển giao kỹ thuật, cách thức canh tác tiên tiến, bước đầu giúp bà con cải thiện năng suất mùa vụ mà không cần tăng lượng nước và phân bón và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Được biết, tập đoàn này cam kết giúp tăng 20% năng suất trên cây ngô và cà phê và tập huấn cho 850.000 nông dân tại Việt Nam về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả từ nay đến năm 2020. Khi tình hình khí hậu xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan, những thách thức mới thì những nhà khoa học của Syngenta sẽ dựa vào những thách thức đó mà tìm hiểu, nghiên cứu để có thể tạo ra những giải pháp và những giống cây trồng giúp giải quyết và đối mặt với những thách thức và thích ứng với BĐKH. Như việc phát triển các giống ngô lai có khả năng chịu hạn và hiện nay giống ngô này đang được sản xuất ở Mỹ.

Bước sang năm thứ 3, ông Kumardev Datta, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam, khẳng định: “Những kinh nghiệm thu thập được trong 2 năm qua đã giúp các nhà nghiên cứu, cố vấn nông nghiệp và chính bản thân chúng tôi trong việc nắm vững tập quán và nhu cầu canh tác của bà con, từ đó đem đến cho quý bà con những sản phẩm và giải pháp phù hợp nhất. Trong những năm tiếp theo, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và các cấp quản lý để bảo vệ tài nguyên và góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH”. Hi vọng trong tương lai sẽ còn nhiều doanh nghiệp với những cam kết đầy trách nhiệm như vậy, vì một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.