NGÀY HỘI THU HOẠCH KHOAI TÂY MÔ HÌNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT – TIÊU THỤ KHOAI TÂY BỀN VỮNG

Sự kiện

Ngày 27/2, tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra ngày hội thu hoạch mô hình hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây bền vững năm 2024. Đây là sự kiện do Syngenta, PepsiCo và các đối tác trong chuỗi liên kết sản xuất khoai tây phối hợp tổ chức.

syngenta-8-3-2

Mô hình sản xuất khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thuộc Bộ NNPTNT), Yara, Mimosatek, Netafim_Khang Thịnh, USAIDS Resonance-dự án GDA và Care-Dự án She Feeds The World (SFtW) triển khai từ năm 2019. 

Mô hình này lấy nhà nông dân là trọng tâm, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ: Chăm sóc đất - giống - xử lý hạt giống - thuốc BVTV - phân bón - tưới tiêu - kỹ thuật canh tác - bao tiêu đầu ra - chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo.

syngenta-8-3

Qua 5 năm triển khai, mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững đã mang lại những kết quả vượt trội. Cụ thể, năng suất khoai tây trung bình đạt 23-26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, thậm chí nơi cao nhất đạt 52 tấn/ha. Mỗi năm tiết kiệm hơn 5 triệu m3 nước; thu nhập của nông dân tăng lên gần 3 lần.

Bên cạnh đó, mỗi năm dự án triển khai tập huấn sản xuất an toàn cho gần 6.000 lượt nông dân, diện tích trồng khoai tây tăng trung bình 20% hàng năm, số hộ nông dân tham gia vào chương trình tăng 10%/năm. Năng lực, vai trò của phụ nữ và nông dân đồng bào thiểu số trong mô hình cũng được nâng cao đáng kể.

Riêng trong năm 2023, PepsiCo, Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị ứng dụng hàng loạt các giải pháp công nghệ mới trong sản xuất khoai tây. Kết quả cho thấy, năng suất khoai đạt 30-34 tấn/ha. Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha cho nông dân; sử dụng drone giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc BVTV.

syngenta-8-3-3

Ông Trần Thanh Vũ – Tổng Giám đốc công ty Syngenta Việt Nam chia sẻ: “Dự án sản xuất khoai tây bền vững ở khu vực Tây Nguyên đã thành công, kết nối đầy đủ các đối tác đa dạng trong chuỗi. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và các giải pháp nông học mới trong sản xuất khoai tây, năng suất khoai tây đã tăng mạnh, từ đó gia tăng thu nhập cho người nông dân. Thông qua dự án, đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất bền vững với những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Dự án cũng góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp xanh”.