Khảo nghiệm ngô chuyển gen NK4300Bt/GT

Khoa học cây trồng

Giống NK4300 Bt/GT mang cả hai gen kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate nên tỷ lệ sâu đục bắp, đục thân và cỏ dại gần như không có.

Syngenta VN đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình khảo nghiệm so sánh diện rộng giống ngô chuyển gen NK4300 Bt/GT tại xã Định Hải, huyện Yên Định (Thanh Hóa).

Hầu hết các đại biểu tham dự đánh giá cao tính kháng sâu đục thân của NK4300 Bt/GT và kiểm soát cỏ dại hiệu quả khi phun thuốc có chứa hoạt chất glyphosate trên giống ngô này.

Ông Nguyễn Anh Hoàng, phụ trách kinh doanh khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc miền Trung của Syngenta VN cho biết, sau khi được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và Bộ NN-PTNT cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, Syngenta đã được Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách ba giống ngô chuyển gen NK66Bt, NK66GT và NK66Bt/GT vào ngày 12/3/2015.

Đồng thời Bộ cũng cho phép tiến hành thực hiện mô hình khảo nghiệm diện rộng đối với các giống ngô chuyển gen khác.
Hiện mô hình khảo nghiệm diện rộng cho các giống ngô chuyển gen đang được Cty thực hiện tại các vùng trồng ngô trên khắp cả nước như Sơn La, Đắk Lắk, Đồng Nai, An Giang…

“Ngô chuyển gen là công nghệ mới, lần đầu tiên được đưa vào SX đại trà tại VN. Với đặc tính kháng sâu đục thân châu Á, kiểm soát cỏ dại hiệu quả bằng cách phun trùm thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất glyphosate lên cây mà vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường.

Ngô chuyển gen giúp gia tăng năng suất tiềm năng, nâng cao chất lượng nông sản và đặc biệt là cải thiện thu nhập cho người trồng.

Bên cạnh đó, Syngenta tiến hành các mô hình này nhằm đảm bảo tính thích nghi của mỗi giống chuyển gen ở tất cả vùng miền.

Đối với khu vực Bắc Trung bộ, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên chúng tôi triển khai mô hình khảo nghiệm. Qua đánh giá sơ bộ, giống NK4300 Bt/GT vượt trội hơn hẳn giống nền đối chứng NK4300 về khả năng kháng sâu và kiểm soát cỏ dại”, ông Hoàng nói.

Tại xã Định Hải, vụ xuân 2015 Syngenta phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Định hỗ trợ 3 hộ dân thực hiện mô hình khảo nghiệm so sánh ngô biến đổi gen NK4300Bt/GT trên diện tích 1,2 ha.

Sau hơn 3 tháng theo dõi, trong cùng điều kiện canh tác, chế độ chăm sóc như nhau ngoại trừ việc phun trùm thuốc cỏ chứa hoạt chất glyphosate lên cây ngô NK4300Bt/GT vào 15 - 25 ngày sau gieo, khi cây có 5 - 6 lá thật, cỏ dại từ 3 - 4 lá, cho thấy ruộng ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT được quản lý cỏ dại tốt.
Ngô không bị sâu đục thân gây hại, do vậy toàn bộ diện tích phát triển đồng đều, cây khỏe và sinh trưởng mạnh. Kết quả thu hoạch năng suất ước đạt 76,4 tạ/ha, cao hơn giống ngô nền tới 33,5%, giúp nông dân tăng thêm thu nhập hơn khoảng 11,1 triệu đồng/ha so với giống ngô nền.

Chị Hoàng Thị Hòa, thôn Trịnh Điện, xã Định Hải phấn khởi chia sẻ: “Tôi làm ngô mấy chục năm nay rồi nhưng chưa thấy giống ngô nào sạch, đẹp và cho năng suất cao như giống NK4300 Bt/GT.

Đó, chỉ nhìn hai ruộng ngô là thấy sự khác biệt hoàn toàn rồi. Ngô không chuyển gen yếu hơn ngô chuyển gen vì chúng bị sâu phá và cỏ mọc nhiều hơn, nhiều cây còn bị gẫy hết cờ và thân do sâu phá mạnh quá”.

Chị Hòa cũng cho biết, với 6 sào đất trồng giống NK4300 Bt/GT, chị đã áp dụng cùng một quy trình chăm sóc như SX trên giống không chuyển gen.
Đến cuối vụ không thấy cỏ dại mọc lại và đặc biệt là không thấy sâu hại trên ngô chuyển gen. Chị ước tính nếu sử dụng giống này thì tiết kiệm được rất nhiều công làm cỏ, phun thuốc; bông ngô to, hạt chắc từ đó năng suất, hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.

Được biết, ngoài khảo nghiệm tại Định Hải, Syngenta còn triển khai mô hình tại xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy.
Sau khi tham quan ruộng ngô biến đổi gen, ông Mai Nhữ Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa đánh giá: “Giống NK4300 Bt/GT mang cả hai gen kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate nên tỷ lệ sâu đục bắp, đục thân và cỏ dại gần như không có, góp phần giữ được năng suất của giống”.

Theo ông Thắng, trước đây hầu hết các giống ngô giảm năng suất là do cỏ dại cạnh tranh chất dinh dưỡng và sâu đục bắp, đục thân gây hại nhưng nay giống chuyển gen sẽ giải quyết được hai vấn đề đó nên giữ được năng suất tiềm năng vốn có của giống.