Hợp tác kết nối vững bền trên cây ăn trái

Sự kiện

Ngày 19/4/2021, tại thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phối hợp với Công ty Khử trùng Việt Nam (VFC) và Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tổ chức chương trình "KẾT NỐI VỮNG BỀN" trên cây ăn trái và cây công nghiệp.

Đại diện Viện Cây Ăn quả miền Nam, Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Ban lãnh đạo Công ty TNHH Syngenta, Công ty Cổ phần khử trùng Việt Nam (VFC), Sở NN & PTNT Đồng Tháp, Chi cục Trồng trọt & BVTV Đồng Tháp & đại diện 50 nhà nông tiên tiến tham gia chương trình.

Chương trình "Kết nối vững bền" sẽ được thực hiện trong 4 năm, từ 2021-2023. Theo đó, Syngenta và VFC sẽ xây dựng 50 mô hình canh tác bền vững cho nhóm cây ăn trái (xoài, thanh long, sầu riêng, cây có múi) tại các tỉnh trọng điểm trồng cây ăn trái như Tiền Giang, Khánh Hòa, Bình Thuận; Long An; Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sơn La, Hậu Giang, Vĩnh Long... và cây hồ tiêu, cà phê tại một số tỉnh trọng điểm trồng các loại cây này ở Tây Nguyên như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước.

Với vai trò tư vấn kỹ thuật, các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả miền Nam và Viện khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) sẽ xây dựng các quy trình canh tác sử dụng các giải pháp của Syngenta cho các nhóm cây ăn quả và cây công nghiệp trên từng giai đoạn phát triển, đồng thời hướng dẫn và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác này cho nông dân tại các mô hình.

Trong khi đó, nhân viên kỹ thuật của Syngenta-VFC sẽ hướng dẫn cho bà con quy trình quản lý dịch hại và cách sử dụng các loại thuốc BVTV an toàn, hiệu quả... giúp phát huy tối đa sinh trưởng và năng suất cây trồng, tăng chất lượng các sản phẩm đầu ra, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những mô hình tiên phong này sẽ là những điểm vệ tinh để huấn luyện bà con nông dân, từ đó nhân rộng ra nhiều địa phương để có thêm nhiều nông dân được tiếp cận quy trình canh tác tiên tiến.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả và Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên sẽ cùng với Syngenta-VFC thực hiện các chương trình truyền hình trên một số đài PTTH địa phương để hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân.

Các nỗ lực của Syngenta Việt Nam lần này là minh chứng cho cam kết của công ty tại Việt Nam nói riêng và tập đoàn Syngenta nói chung đối với vấn đề phát triển bền vững. Năm 2020, Tập đoàn Syngenta đã giới thiệu Chương trình Phát triển Bền vững (Good Growth Plan) mới với 4 cam kết trên toàn cầu, bao gồm: thúc đẩy sáng tạo vì nông dân và môi trường tự nhiên; hướng tới hoạt động canh tác nông nghiệp trung hòa carbon; giúp mọi người khỏe mạnh và an toàn; hợp tác để tạo nên tác động lớn hơn.

Việc phối hợp thực hiện chương trình “Kết nối vững bền” trên cây ăn trái, cây cà phê và cây tiêu cũng thể hiện cam kết của Syngenta trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp để giúp nông dân canh tác hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp và cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phát biểu: "Mặt hàng trái cây, tiêu, cà phê được được coi là mặt hàng tiềm lực trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, các mặt hàng này sẽ có cơ hội lớn thâm nhập vào các thị trường khó tính. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các sản phẩm đầu ra phải đảm bảo chất lượng cũng như các yêu cầu về dư lượng, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Thực hiện chương trình "Kết nối vững bền", Syngenta mong muốn sẽ giúp cho người nông dân có thêm những giải pháp hữu hiệu để đáp ứng những đòi hỏi của thị trường, nâng cao năng suất và giá trị nông sản đồng thời gia tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống một cách bền vững.”