Tập đoàn Syngenta giới thiệu Chương trình Phát triển Bền vững mới

Sự kiện

Ngày 30 tháng 06 năm 2020, Tập đoàn Syngenta đã giới thiệu Chương trình Phát triển Bền vững (Good Growth Plan) mới với 4 cam kết, trong đó đặt cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là cốt lõi của mô hình kinh doanh của tập đoàn và đưa nông nghiệp trở thành một phần của giải pháp cho của sự phục hồi của nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Chương trình bao gồm các cam kết nhằm giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân ứng phó với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra. 

Theo Chương trình Phát triển bền vững mới, Tập đoàn Syngenta cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào nông nghiệp bền vững tới năm 2025 và mang lại 2 đột phá mới về công nghệ cho thị trường mỗi năm. Các cam kết cụ thể trong chương trình được chia làm 4 nhóm:

  1. Thúc đẩy sáng tạo vì nông dân và môi trường tự nhiên
  2. Hướng tới hoạt động canh tác nông nghiệp trung hòa carbon
  3. Giúp mọi người khỏe mạnh và an toàn
  4. Hợp tác để tạo nên tác động lớn hơn

Các cam kết được Syngenta đưa ra dựa trên những nghiên cứu thực tế. Theo kết quả một cuộc khảo sát toàn cầu do Tập đoàn Syngenta thực hiện đối với nông dân ở Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và trên khắp châu Phi, 72% nông dân lo lắng về tác động của biến đổi khí hậu đối với năng suất cây trồng, sức khỏe động vật và khả năng canh tác của họ trong 5 năm tới.

Nông dân ở khắp mọi nơi cũng phải đối phó với những tác động chưa từng có vì đại dịch Covid-19. Theo khảo sát, có tới 46% nông dân ở châu Âu cho biết hoạt động canh tác của họ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch. Tuy nhiên, 53% cho rằng biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần lưu tâm hơn cả và 63% đồng tình rằng trong 5 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ có tác động đến hoạt động canh tác lớn hơn so với ảnh hưởng của Covid-19.

Bà Alexandra Brand, Giám đốc Quản trị bền vững của Tập đoàn Syngenta, cho biết trong Chương trình Phát triển bền vững mới, việc đầu tư đáng kể vào các hoạt động sáng tạo là cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu và giúp tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa hệ thống sản xuất thực phẩm và thiên nhiên.

Trong khi đó, theo kết quả của Công ty nghiên cứu thị trường IPSOS MORI (Vương quốc Anh), đại đa số nông dân (87%) tin rằng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến khả năng canh tác lương thực của họ và 69% tin rằng giảm khí thải nhà kính sẽ giúp họ ổn định hơn về tài chính và tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, Syngenta cam kết giảm 50% lượng khí thải carbon trong hoạt động của mình vào năm 2030 để hỗ trợ các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cam kết của Syngenta đã được xác nhận bởi sáng kiến ​​Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi).

Tập đoàn Syngenta cũng hợp tác với Mạng lưới Solidaridad để thực hiện các giải pháp bền vững ở quy mô lớn hơn và tiếp sức cho các cộng đồng nông nghiệp đạt được mục tiêu an ninh lương thực. Hai bên đã thực hiện dự án tập trung vào hoạt động canh tác cà phê ở Colombia, giúp các hộ sản xuất nhỏ tăng thu nhập lên 25%.

Ngoài ra, từ tháng 10/2019, Syngenta đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thực hiện dự án Reverte ở Brazil nhằm tái tạo 1 triệu ha đất nông nghiệp bị suy thoái trong 5 năm tới.

Trước đó, vào năm 2013, Syngenta lần đầu tiên giới thiệu Chương trình Phát triển Bền vững trên toàn cầu với 6 cam kết tới năm 2020: nâng cao năng suất cây trồng nhưng không tác động thêm vào nguồn tài nguyên, bảo vệ đất nông nghiệp khỏi nguy cơ xói mòn, tăng cường đa dạng sinh thái, tiếp sức cho các nông hộ nhỏ, bảo vệ sức khỏe của nông dân và các cá nhân trong chuỗi sản xuất.  

Chương trình đã giúp nông dân ở khắp nơi trên thế giới thu được những vụ mùa hiệu quả hơn trong khi vẫn sử dụng diện tích đất canh tác hiện có, đồng thời bảo vệ thiên nhiên và cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn.

Kết quả, sau 7 năm thực hiện, Syngenta đã đạt hoặc vượt tất cả các mục tiêu đặt ra trong chương trình, bao gồm đưa hơn 14 triệu ha đất nông nghiệp trở lại từ bờ vực suy thoái và tăng cường đa dạng sinh học trên hơn 8 triệu ha đất nông nghiệp.

Ông Erik Fyrwald, Tổng Giám đốc Tập đoàn Syngenta cho biết: “Kể từ khi giới thiệu vào năm 2013, các nguyên tắc và ưu tiên của Chương trình Phát triển bền vững đã gắn bó sâu sắc với hoạt động kinh doanh của Syngenta. Syngenta đã đạt hoặc vượt tất cả các mục tiêu đặt ra trong chương trình, bao gồm đưa hơn 14 triệu ha đất nông nghiệp trở lại từ bờ vực suy thoái và tăng cường đa dạng sinh học trên hơn 8 triệu ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự yếu ớt của hệ sinh thái nông nghiệp. Cũng giống như một đại dịch, biến đổi khí hậu là mối đe dọa không thể tránh khỏi mà chúng ta phải giải quyết trước khi quá muộn. Khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, các biện pháp hạn chế vì Covid-19 được nới lỏng, chúng ta cần hỗ trợ người nông dân và đặt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học làm cốt lõi".

Tại Việt Nam, được giới thiệu vào năm 2013, Chương trình Phát triển Bền vững tập trung vào các cam kết bảo vệ đất nông nghiệp; tiếp sức cho các nông hộ nhỏ và bảo vệ an toàn cho con người.

Trên nền tảng thành công của giai đoạn trước, trong chương trình Phát triển Bền vững mới, Syngenta Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan triển khai các dự án phù hợp với từng địa phương, góp phần giúp hàng vạn nông dân canh tác bền vững và hiệu quả, làm tròn sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững và cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn./